Khiêm tốn thừa nhận HTX còn quá non trẻ, anh Phạm Thanh Chung cho biết, vẫn đang thận trọng từng bước đi để có thể góp phần vào nỗ lực nâng cao giá trị hạt tiêu và chế biến sản phẩm hữu cơ từ hạt tiêu cho người tiêu dùng Việt.
Cây hồ tiêu có thời gian gắn bó lâu năm trên vùng đất biên giới huyện Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước). Hồ tiêu Lộc Ninh cũng là thương hiệu có tên tuổi từ sau ngày đất nước được giải phóng năm 1975.
Con đường gập ghềnh
Thực tế là Bình Phước đã xây dựng được Nhãn hiệu tập thể hồ tiêu Lộc Ninh từ khá sớm (năm 2014). Thế nhưng “bão bệnh”, “bão giá” liên tục vùi dập, hồ tiêu Lộc Ninh cũng lận đận theo, kể cả hồ tiêu hữu cơ.
Trong chuyến khảo sát mùa vụ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) giữa năm 2020 tại mô hình của HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang (xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh), Giám đốc HTX này cũng thừa nhận tỷ lệ diện tích hồ tiêu chuyển đổi cây trồng khác ở trong vùng chiếm 15-20%; chi phí đầu tư giảm khoảng 40% cho vụ 2019-2020; tồn kho trong dân chỉ khoảng 20%.
HTX Hồ tiêu Lộc Quang mặc dù có diện tích sản xuất không thay đổi (21ha) nhưng sản lượng hồ tiêu trong năm 2020 chỉ đạt 40 tấn, giảm 40% so với năm 2019.
“Sự gia tăng chi phí, khó khăn trong việc xây dựng chứng nhận là những thách thức đang đặt ra cho mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ của HTX này” – VPA nhận định.
Tại Lộc Ninh đang có nhiều nông dân thực hành các mô hình sản xuất hồ tiêu an toàn, góp phần khẳng định và phát huy thương hiệu hồ tiêu Lộc Ninh. Việc thành lập HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang là nỗ lực lớn của huyện Lộc Ninh và các hội viên nông dân, góp phần nâng cao giá trị hạt tiêu.
Bà Đào Thị Lanh – Chủ tịch Hội Nông dân (ND) tỉnh cho biết, không riêng gì hồ tiêu, nông nghiệp hữu cơ ở Bình Phước chỉ mới manh nha. Vấn đề khác biệt về thu nhập của sản xuất hữu cơ với sản xuất thông thường chính là rào cản ban đầu khiến người nông dân chưa thật sự quyết tâm làm hữu cơ.
Nguồn nhân lực làm nông nghiệp hữu cơ hiện nay còn thiếu và trình độ không cao. Như tại Bình Phước, hiện nay người trẻ tuổi, có trình độ cao vẫn có xu hướng ưu tiên chọn các ngành nghề khác để phát triển, rất ít người chọn làm nông nghiệp. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi phải tuân thủ các quy trình sản xuất nghiêm ngặt, phải có hiểu biết sâu về sinh lý, sinh trưởng, đặc điểm của từng loại cây trồng, vật nuôi.
Sinh năm 1979, anh Phạm Quang Chung cùng cha anh di cư vào Nam tìm miền đất mới, rồi gắn bó với cây hồ tiêu đã 18 năm. Chừng đó thời gian cũng đủ để anh nhìn thấy những thăng trầm đã gắn với cây tiêu.
Anh Chung thừa nhận, giai đoạn từ 2016 tới nay, giá cả xuống thấp, nhiều người không thể đáp ứng được nhu cầu cân đối thu chi để tái đầu tư. Khi thị trường gặp sóng gió, giá bán tiêu sạch cũng không khá hơn là bao. “Nhưng tôi tin con đường của tiêu sạch ở phía trước còn dài. Bản thân tôi chọn canh tác hữu cơ từ 5 năm trước” – anh Chung kể.
Ước mơ của người trẻ
HTX hồ tiêu Lộc Quang còn phải nỗ lực và học hỏi rất nhiều để góp phần vào nỗ lực giúp người Việt được dùng những sản phẩm chế biến do chính người Việt làm ra”.
Anh Phạm Quang Chung
Từ mô hình sinh thái ban đầu được mọi người ủng hộ và nhân rộng, đến tháng 5/2020, HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang ra đời do anh Chung làm Giám đốc. HTX được tập hợp từ 9 hội viên Hội ND xã, vốn là những hộ có nhiều năm trồng tiêu theo hình thức hữu cơ, với tổng diện tích hơn 21ha.
Mô hình phát triển hồ tiêu ở HTX sử dụng các chế phẩm sinh học hoặc tận dụng các nguồn phế phẩm sẵn có tại địa phương như bã thực vật, phân chuồng… “Tôi thấy hướng đi hữu cơ là đúng đắn và phù hợp với xu hướng của thế giới khi hạn chế được thuốc BVTV, phân bón hóa học” – anh Chung nói.
Dù gặp không ít khó khăn nhưng đến nay, Lộc Ninh vẫn là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất tỉnh (hơn 4.740ha, chiếm 27,6% diện tích hồ tiêu toàn tỉnh). Theo anh Chung, một trong những nguyên nhân giúp nhiều nông dân giữ được vườn tiêu là nhờ áp dụng quy trình canh tác bền vững theo hướng hữu cơ kết hợp chăn nuôi dê.
Một trong những biện pháp sinh thái được các xã viên thực hiện là trồng cây cỏ lạc tiên ngay trong vườn tiêu. Lớp cỏ này giúp chống xói mòn và giữ ẩm cho đất. Sau khi cắt, lớp cỏ lạc này vừa bổ sung mùn hữu cơ cho vườn tiêu vừa làm thức ăn để nuôi dê. Nguồn phân thải từ chuồng dê lại được ủ hoai mục để bón ngược lại cho vườn tiêu, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất.
Đầu tháng 8 vừa qua, nhận lời mời của Hội ND tỉnh, một số chuyên gia nông nghiệp của Nhật Bản đã đến thăm Bình Phước, hướng dẫn nông dân canh tác hữu cơ đối với một số loại cây trồng. Trong chuỗi chương trình làm việc, ông Takahashi Tadashi – chuyên gia nông nghiệp Nhật đánh giá cao mô hình tiêu hữu cơ mà HTX Lộc Quang đang làm.
“Tôi hy vọng sẽ được hợp tác lâu dài với nông dân Bình Phước trong việc cung ứng các chế phẩm sinh học cũng như tìm đầu ra cho nông sản đặc trưng của tỉnh, trong đó có hồ tiêu hữu cơ” – ông Takahashi Tadashi nói.
Theo anh Chung, Việt Nam có ngành hồ tiêu phát triển nhưng công nghiệp chế biến gia vị thì chưa mạnh. Sự hỗ trợ của Hội ND và các sở, ban, ngành là rất cần thiết cho những HTX mới khởi nghiệp.
Hiện tại HTX Lộc Quang chỉ quy hoạch khoảng hơn 20ha hồ tiêu hữu cơ để chuẩn hóa quy trình và truy xuất nguồn gốc từ cây giống, chăm sóc tới sản phẩm cuối cùng. Các sản phẩm tiêu đen hữu cơ, muối tiêu hữu cơ, tiêu hữu cơ ngâm giấm… đang được HTX chế biến ngay tại chỗ. Việc cần làm tiếp theo là cải thiện chất lượng sản phẩm chế biến từ hạt tiêu.
Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang
Địa chỉ: Lộc Quang, Lộc Ninh, Bình Phước.
Điện thoại: 0365 026 557 – 0901201696
Email: hotieulocquang@gmail.com
Website: pepperlocquang.com