Giám đốc HTX đi tìm “vị ngọt” của hồ tiêu hữu cơ

Giám đốc HTX đi tìm “vị ngọt” của hồ tiêu hữu cơ

Với ước mong đưa sản phẩm hạt tiêu hữu cơ Bình Phước đi khắp thế giới, anh Phạm Thanh Chung, giám đốc HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang cùng các cộng sự và thành viên HTX đang ngày đêm trăn trở thay đổi phương thức sản xuất với hướng đi bền vững nhằm cho ra đời những sản phẩm tiêu chất lượng cao, khẳng định thương hiệu tiêu Lộc Ninh (Bình Phước) trên thị trường.

Sinh năm 1979, anh Phạm Thanh Chung cùng cha anh di cư vào Nam tìm miền đất mới, rồi gắn bó với cây hồ tiêu gần 20 năm. Chừng đó thời gian cũng đủ để anh chứng kiến những thăng trầm khi nhiều diện tích hồ tiêu Lộc Ninh chết hàng loạt, giá tiêu hạt rớt thê thảm… bà con phải bán tống bán tháo đất đai, nhà cửa, đi làm thuê ở các thành phố lớn để lấy tiền trả nợ.

Từ phương châm “chậm mà chắc”

Anh bảo, những người còn bám trụ lại để trồng hồ tiêu vùng đất này đã trông chờ vào một “phép màu”, đó chính là con đường thay đổi phương thức sản xuất bền vững, bảo vệ môi trường để ổn định trước ảnh hưởng của dịch bệnh, biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ.

z2848340648637-d98c7f56fc2e597-7611-1981

Với kinh nghiệm làm nông nghiệp cùng với nghiên cứu, học hỏi, anh Phạm Thanh Chung đang nỗ lực đưa sản phẩm của HTX  có chỗ đứng trên thị trường.

Anh Chung nhớ lại: Trước đây, vì muốn thu được lợi nhuận lớn, không ít bà con sẵn sàng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), kích thích ép tiêu cho năng suất. Điều này, đã vô tình khiến cây “bạo phát, bạo tàn”, đất đai biến chất, sâu bệnh kháng thuốc, chưa kể gây ảnh hưởng đến sức khỏe người trồng. Trong khi đó, “tiêu sạch” là cụm từ khá mới mẻ.

Khi đó anh nghĩ, nếu không chuyển hướng, đổi mới sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm thì danh tiếng tiêu của Lộc Ninh trong tương lai sẽ không còn.

Nhận thức được điều đó, với phương châm “chậm mà chắc”, 5 năm về trước, anh Chung đã quyết tâm theo đuổi con đường nông nghiệp sinh thái, canh tác tiêu theo hướng hữu cơ và cải thiện chất lượng sản phẩm chế biến từ hạt tiêu.

Với kinh nghiệm làm nông nghiệp cùng với nghiên cứu, học hỏi qua sách báo, mạng internet… Để phát triển vườn, ngoài phân chuồng, các phế phẩm từ nông nghiệp khác hiện có tại địa phương, anh tận dụng, nghiên cứu và chế biến thành công các loại phân bón hữu cơ như: dịch nước dừa lên men, dịch gấc lên men, dịch trứng gà lên men, dịch đạm cá hồi, đậu nành ngâm ủ… có hàm lượng dinh dưỡng cao, thời gian ủ nhanh, không thua kém các loại phân hóa học.

Ngoài ra, anh còn kết hợp với tỏi, ớt ngâm và chế phẩm sinh học có chứa các hoạt chất Rotenonem, Biobac, Azadirachtin…, các loại nấm đối kháng như Trichoderma để phòng trị bệnh cho cây trồng.

Qua đó, cây có thể hấp thụ cả chất dinh dưỡng và phòng trị các loại bệnh, tiết kiệm nhiều thời gian trong chăm sóc, tạo ra các dòng sản phẩm chất lượng cao như: hạt tiêu xanh, sấy, bột tiêu xanh, hạt tiêu đỏ, bột tiêu đỏ sấy, bột tiêu tứ sắc sấy, muối tiêu lá chanh, sốt tiêu xanh…

Đáng chú ý, sau mỗi vụ, anh Chung đều gửi mẫu tiêu hữu cơ đến Eurofins Sắc ký Hải Đăng – Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm, giám định sản phẩm và quan trắc môi trường cho thấy, các chỉ tiêu hóa lý sinh nấm mốc kim loại, về hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm hạt tiêu, bột tiêu cho ra: Tinh dầu Pipeline, chất xơ dinh dưỡng, độ ẩm, các thành phần vitamin A, C, Canxi, B12, magie, kẽm, sắt, đường, khác biệt so với sản phẩm hồ tiêu truyền thống.

Một trong những biện pháp sinh thái được anh thực hiện là trồng cỏ lạc ngay trong vườn tiêu. Cỏ trong vườn tiêu không nhổ bỏ để tránh ảnh hưởng đến rễ tiêu, dẫn đến dễ bị bệnh. Thay vào đó, cỏ được cắt nhằm giữ ẩm cho đất cộng với bón phân hữu cơ vi sinh nên các vi sinh vật có lợi trong đất có thêm “đất sống”, giúp cây tiêu có thêm điều kiện để phát triển, kháng bệnh.

Mặt khác, cỏ này còn làm thức ăn để nuôi dê. Nguồn phân thải từ chuồng dê lại được ủ hoai mục để bón ngược lại cho vườn tiêu, giúp tăng độ phì nhiêu cho đất. Từ đó, vườn tiêu của anh Chung luôn cho năng suất năm sau cao hơn năm trước, bất chấp giá tiêu biến động như thế nào, vườn tiêu vẫn đem hiệu quả kinh tế cao.

Vậy là, sau những lầy lội của bùn đất, của những cú ngã đau điếng vì trơn trượt, vườn hồ tiêu 2 ha nhờ bí quyết canh tác hữu cơ vẫn xanh tốt, cho năng suất ổn định 7 tấn/năm, anh Chung bỏ túi 700 triệu đồng/năm.

“Tôi mong muốn, với những bước đi nhỏ của mình có thể góp phần vào nỗ lực nâng cao giá trị hạt tiêu, và chế biến sản phẩm hữu cơ từ hạt tiêu cho người tiêu dùng Việt”, anh Chung nói.

Đến “bắt tay” nông dân thành lập HTX

Từ mô hình ban đầu phát huy hiệu quả và được mọi người ủng hộ, nhằm giúp bà con trong vùng thay đổi tư duy sản xuất, hướng đến làm giàu bền vững từ cây tiêu, tháng 5/2020 anh Chung đã “bắt tay” với một số hộ nông dân thành lập HTX hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang cùng làm mô hình sinh thái.

z2838314704921-ba6fcc3df8f2369-5263-7692

Liên kết sản xuất hồ tiêu hữu cơ đang là hướng đi đúng đắn của HTX Lộc Quang.

Ban đầu, HTX chỉ có 9 thành viên với tổng diện tích canh tác hơn 21 ha. Mặc dù còn non trẻ, đến nay, HTX đã có gần 15 thành viên với diện tích canh tác trên 30 ha.

Những ngày đầu mới thành lập, HTX gặp muôn vàn khó khăn khi đối mặt với giá tiêu trên thị trường kém cùng với dịch bệnh khiến cho bà con hoang mang, chán nản. Tuy nhiên với minh chứng “sống” từ những thành công của chính bản thân, giờ đây nhiều nông dân đã thấy được lợi ích trồng hồ tiêu hữu cơ và tích cực tham gia sản xuất.

Anh Hoàng Văn Thủy, là một thành viên tham gia mô hình sinh thái hữu cơ của HTX cho biết: “Khi đang cảm thấy bế tắc thì bất ngờ có giám đốc Phạm Thanh Chung vào đề nghị triển khai giải pháp cứu vườn, tôi liền đồng ý. Đến bây giờ thì tôi rất ưng ý với vườn tiêu của mình, vụ tới chắc chắn năng suất vườn tiêu của gia đình sẽ tăng hơn, dự kiến phải đạt trên 4 kg/trụ. Hơn nữa, lượng phân giảm rất nhiều so với thông thường, cây tiêu bây giờ thì đọt non bung mạnh, không còn tình trạng lá răng cưa và rụng trái non nữa”.

Với giá tiêu giao dịch quanh mức 86.000 – 90.000 đ/kg như hiện nay (thời điểm ngày 15/10), sau khi trừ chi phí, anh Thủy nhẩm tính gia đình anh thu lãi trên dưới 100 triệu đồng.

Đến nay, sản phẩm hồ tiêu hữu cơ của HTX Lộc Quang đã được thị trường trong và ngoài nước ghi nhận, đặc biệt là các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Nhật Bản… đánh giá cao. Trong tháng 10/2021, HTX sẽ hoàn thiện quy trình 5 sản phẩm OCOP cho huyện Lộc Ninh.

Anh Chung tính toán sơ bộ, cứ 1 ha tiêu sẽ thu được trung bình khoảng 4 tấn khô. Hiện, giá tiêu trong tỉnh Bình Phước đang ở mức 88.500 đ/kg đồng/kg (ngày 15/10), mỗi ha sẽ thu về khoảng hơn 350 triệu đồng. Mặc dù giá tiêu có xu hướng tăng lên, tuy nhiên, tình hình dịch Covid-19 đang làm đứt gãy chuỗi lưu thông hàng hóa của HTX, đẩy chi phí vận chuyển tăng nên người trồng tiêu cũng gặp nhiều khó khăn.

“Trong giai đoạn 2021-2026, HTX mong muốn các sở, ban, ngành, quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện, thủ tục pháp lý, tiếp cận nguồn vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị, ứng dụng công nghệ sơ chế, bảo quản chế biến sâu các sản phẩm hồ tiêu của Lộc Ninh. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm có thế mạnh ở tỉnh Bình Phước theo hướng phát triển bền vững”, anh Chung mong muốn.

Mai Ngọc

Rate this post

Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang
Địa chỉ: Lộc Quang, Lộc Ninh, Bình Phước.

Điện thoại: 0365 026 557 – 0901201696

Email: hotieulocquang@gmail.com

Website: pepperlocquang.com

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.